PUMNUC

Hướng về ánh mặt trời

"NGƯỜI MẸ CẦM SÚNG"- Hào hùng của một thế hệ-

                                                 
                                                                   
             Chắc chắn, đa số chúng ta đã từng học tác phẩm "Mẹ vắng nhà"  trích trong truyện ký "Người mẹ cầm súng" của nhà văn Nguyễn Thi, và không ít lần chúng ta đã xem phim "Mẹ Vắng nhà" của đạo diễn Trần Khánh Dư. Bộ phim chỉ là một trích đoạn tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thi, dù hình ảnh người mẹ- chị Út Tịch- không xuất hiện nhiều nhưng rất "đắt", đủ lột tả được hình ảnh của người phụ nữ Nam bộ xứng đáng với tám chữ vàng Bác Hồ đã trao tặng: "Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang". Và trong những ngày tháng Tư này, cả nước tràn ngập một khí thế kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất nước nhà, xem lại những thước phim, chúng ta cảm thấy như có một hào khí dân tộc chảy trong cơ thể của mỗi người con đất Việt, chúng ta càng yêu và trân trọng những khoảnh khắc của hòa bình, cảm nhận giá trị của hai chữ "Tự do".
Hình ảnh Chị Út Tịch
             Nguyễn Thi là một nhà văn người miền Bắc nhưng ông đã sống, chiến đấu và ngã xuống nơi mảnh đất quê hương Nam Bộ. Ông viết tác phẩm "Người mẹ cầm súng" không hề hư cấu, đây là hình ảnh có thực và được ông xây dựng thành hình tượng văn học sống động như ngoài đời. Đó là hình ảnh chị Út và anh Tịch, mà chúng ta hay gọi là "Chị Út Tịch". Cái tên được ghép lại sau khi hai người cùng sống, chiến đấu và trưởng thành từ đơn vị công an xung phong Cầu Kè "Thần Luông" do Chú Chín Luông dạy dỗ, bồi dưỡng và lãnh đạo. Và cũng chính chú Chín là người đã "se duyên" cho chị Út và anh Tịch thành đôi vợ chồng anh hùng. Chị có tên Út Tịch từ đó! Và với đôi ba dòng chữ không thể nào "lột tả" hết những nét đẹp của biểu tượng người phụ nữ Nam bộ thông qua hình ảnh chị Út Tịch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là những người con Nam bộ đã góp phần tạo nên "Miền Nam thành đồng của Tổ quốc".
 
              Riêng với tôi, tôi cũng đã học và đọc tác phẩm "Người mẹ cầm súng" nhưng tôi cũng đặc biệt thích bộ phim "Mẹ vắng nhà" của đạo diễn Trần Khánh Dư. Có lẽ, kể cả tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh đều ghi đậm dấu ấn vào tuổi thơ tôi, và nếu nói không quá tôi cũng đã học được một "chị hai bản lĩnh" như nhân vật Bé trong phim, tôi yêu người mẹ Nam Bộ với vẻ đẹp đôn hậu, dịu dàng nhưng anh hùng, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù.
            
            Với thời đại kỹ thuật số thật không mấy khó khăn khi chúng ta truy cập vào Google và gõ phim "Mẹ vắng nhà" của đạo diễn Trần Khánh Dư, chúng ta có thể thưởng thức và cảm nhận một thời đại anh hùng của dân tộc. Bạn sẽ nghĩ tôi là một người xưa cũ. Nhưng tôi suy nghĩ khác, chúng ta muốn phát triển một cách vững bền khi chúng ta phải luôn nhắc mình nhớ nơi mình đã từng xuất phát; giữa hiện đại và truyền thống luôn luôn là mối quan hệ biện chứng. Một quá khứ hào hùng của ông cha ta không thể quên, chúng ta xóa bỏ "hận thù" để hướng tới tương lai nhưng hãy luôn nhớ rằng chúng ta đang sống và hít thở không khí hòa bình được đánh đổi bằng máu và nước mắt của biết bao nhiêu thế hệ- Chúng ta hãy luôn biết trân trọng và giữ gìn- 
 
             Phim "Mẹ vắng nhà" được mở đầu với những cảnh quay của Miền Tây sông nước Nam bộ, dù lúc đó là thời kỳ chiến tranh nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được một Nam Bộ trù phú của rừng đước, bần, bông dừa nở rộ. Nam Bộ lúc không có tiếng súng rất thanh bình và êm ả làm sao! Đó là hình ảnh bà mẹ du kích trở về đời thường cũng tắm con, cười hiền dịu, ẵm một nách hai đứa trên người. Và đẹp hơn khi hình ảnh Chị Út Tịch buổi trưa hè ngồi trên võng- với bộ áo bà ba đen, mái tóc dài được búi gọn gàng, gương mặt đôn hậu- cho đứa con đang độ tuổi nằm nôi bú sữa mẹ. Đôi mắt của người mẹ dịu dàng nhìn đứa con trai nói chuyện với nhau bằng "ngôn từ của tình mẫu tử". Đó không chỉ là hình ảnh của người mẹ Nam bộ mà là hình ảnh của tất cả bà mẹ Việt Nam riêng có!!! Giọng hò rặc Nam Bộ ngọt ngào ru con bị cắt ngang bởi tiếng gầm rú của trực thăng địch trên bầu trời đã xé toạc những khoảnh khắc thanh bình ấy. Chị Út Tịch khựng lại, đôi mắt buồn nhìn xa xăm, nhưng chỉ là một phút chốc, đôi mắt ấy lại sáng ngời, thể hiện một sự quyết đoán, một sức mạnh của niềm tin. Chị nhanh nhẹn gọi mấy đứa con: "Mấy đứa vào hầm nấp mau". Chị Út có 5 người con: đứa lớn nhất là con Bé  độ chừng 9-10 tuổi, kế đến là Thanh, bé Anh chừng 3-4 tuổi và thằng Hiển chừng 2 tuổi còn nói ngọng và một đứa con đang độ tuổi nằm nôi. Khi thấy mẹ cầm súng AK, lấy lựu đạn giắt ngang lưng là những đứa trẻ ấy đôi mắt ngấn nước, đứa nào cũng lo sợ xa mẹ, sợ mẹ đi chiến đấu mà không dám nói lời nào, chỉ đứng rưng rức giành ôm lấy mẹ: "Má của Hiển mừ!", "Má đừng đi nha má?"... Chỉ có con Bé ra dáng chị hai kiên cường không khóc, nó hiểu được "trọng trách" mà mẹ sắp giao, cho dù trong lòng nó cũng là một đứa trẻ cũng thương mẹ mình đến chết đi được! Trong phút chốc, người mẹ ấy nhìn đàn con thơ, cũng yếu mềm, cũng ứa nước mắt, không biết chiến tranh sống chết ra sao và con mình sẽ như thế nào? Nhưng chỉ cần nhìn vào đôi mắt người mẹ ấy sẽ hiểu được bà biết chỉ có một con đường duy nhất, là phải cầm súng và chiến đấu, giành giật lại từng tấc đất quê hương thì con mình mới được sống yên vui và hòa bình mãi mãi. Vậy là người mẹ ấy nhanh nhẹn bơi xuồng chỉ kịp dặn con Bé: "Ở nhà nhớ nấu cơm đừng chắt nước kẻo phổng tay ngen con", con Bé chỉ: "Dạ" một tiếng là đã thấy bóng dáng mẹ khất sau rặng đước rồi.
 
           Những ngày tháng mẹ vắng nhà, thì con Bé là người phải cán đán và quán xuyến trong nhà: từ nấu cơm, trông em, tắm em, bày em chơi trò chơi, đi chợ....Nếu bạn đã từng xem qua bộ phim này, không thể không nhớ đến hình ảnh một phần tuổi thơ mình qua các trò chơi dân dã của các con chị Út Tịch. Ba mẹ vào chiến khu, con Bé trở thành một chị hai đầy bản lĩnh. Tôi thích hình ảnh con Bé mặc bộ đồ bà ba đen, quấn chiếc khăn rằn trên đầu giống mẹ Út, đi qua cây cầu khỉ, bơi xuồng đi chợ. Đi chợ nhưng không quên mùa chùm chôm chôm làm quà cho mấy đứa em nhỏ ở nhà. Còn mấy đứa nhỏ ở nhà thì chơi chung đánh nhau, giành bắn chóc đùng giống mẹ và mấy cô: "Hiển sẽ bắn chóc đùng giống mẹ mừ, của Hiển nổ to hơn mừ!". Vậy mà, khi chị ba Thanh nấu khoai lang chỉ có một củ, tất cả đều biết bẻ ra và để chừa phần cho chị hai. Có lẽ, hình ảnh con Bé đi chợ quê là hình ảnh vừa đáng yêu mà vừa thể hiện sự rắn rỏi của một đứa trẻ phải quán xuyến công việc khi vắng mẹ. Khi trở về nhà, nó không quên chia phần chôm chôm cho em, mấy đứa trẻ ánh mắt sáng rỡ nhảy tưng tưng mừng rơn, con Thanh hỏi: "Chị hai ăn chưa?". Nó mỉm cười bảo là: "Tao ăn rồi, phần tụi bay đó" nhưng thực ra nó chưa ăn, nhìn mấy đứa em ăn mà nuốt nước miếng trông tội nghiệp- một chút trẻ con không thể che giấu-
 
             Tôi thích hình ảnh bé Thanh chèo xuồng dọc con kênh, ngắm nhìn những bông dừa nước, dòng nước trôi hiền hòa, nó mỉm cười. Rồi tự dưng tiếng trực thăng gầm rú trên đầu, nó hoảng hốt, vội bơi xuồng về. Tiếng con Bé gọi: "Mấy đứa vào hầm nấp ngay!". Nó phát hiện con Thanh chưa về, vậy là chạy đi tìm em. Nó nhanh nhẹn gọi: "Thanh ơi, coi chừng trực thăng đó, cuối thấp xuống ngen". Con Thanh chạy nhanh qua cầu khỉ hoảng sợ, rớt xuống kênh trước nhà. Trong phút chốc, con Bé nhào ào ra lôi em mình vào, dìu chạy vào hầm trú ẩn. Đó là giây phút rất "đắt" thể hiện sự bản lĩnh của người chị như con Bé. Nó bảo mấy đứa nhỏ: "Không được khóc thút thít", sợ địch phát hiện. Nhưng thực ra nó cũng là một đứa trẻ cũng hoảng hốt trước tiếng gầm của trực thăng địch nhưng nó biết kìm nén để trấn an em mình. Cái khung cảnh tiếng gầm rú của trực thăng mà bên dưới hầm có 5 đứa trẻ nheo nhóc không có ba mẹ bên cạnh, người ướt nhẹp, ngồi co ro, gương mặt hoảng sợ khiến ai xem cũng phải rớt nước mắt. Đó chính là sự ác liệt của chiến tranh và càng trân quý biết bao những giây phút trẻ thơ được sống trong hòa bình.
 
            Vậy mà khi im tiếng súng, nó lại trèo lên rặng trâm bầu trước nhà, hướng mắt về chiến khu mong tìm bóng dáng của mẹ Út. Nó nhìn thấy đồn bót của địch, nhổ nước miếng một cái phẹt thể hiện sự khinh bỉ, căm thù. Nhưng nó mỉm cười ngay khi tưởng tượng ra má đang cầm súng chiến đấu đánh địch. Nó tưởng tượng hình ảnh má tay cầm súng AK, lựu đạn giắt ngang lưng quần, người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn kiên cường lao về phía trước đánh đồn địch. Ở dưới là một bầy em, đứa lớn ẵm đứa nhỏ thắc mắc: "Thấy má chưa chị hai", "Má của Hiển mừ", "Má có dặn gì không chị hai", "Má bắn chóc đùng hả chị hai", "Hoan hô má, hoan hô mấy cô"....Thực ra, con Bé chẳng thấy má, nó tự tưởng tượng ra và trấn an mấy đứa em: "Má nói, mấy đứa ở nhà ngoan không đánh nhau, khi nào về má sẽ có quà". Ở dưới, nghe vậy im re: "Hiển ngoan mừ, quà của Hiển nhiều hơn mừ!".
 
          Có lẽ, sống chiến tranh mới cảm nhận hết sự khát khao được tự do, hòa bình, được vui chơi và được đi học. Hình ảnh mấy đứa nhỏ đang đùa giỡn tắm sông trong tiếng cười trong trẻo như bị cắt ngang bởi bom địch thả xuống cánh đồng. Hình ảnh con trâu bị trúng đạn cháy xém cả nửa thân người lao chạy vun vút như thể hiện chính sự hoảng sợ của trẻ con trong thời chiến. Con Bé và bầy em khát khao được má cho đi học biết bao! Vậy là, nó bày trò dạy học. Tụi nhỏ nghe đi học mừng rơn:" Hoan hô chị hai". Con Bé mặc bộ bà ba đen, lấy cái nón của má Út đội lên, bẻ nhánh trâm bầu làm cây thước, nghiêm trang bước vào lớp học, mấy đứa "học sinh" hô:" Em chào cô!". Tiếng đầu tiên nó dạy em là: "Đờ anh đanh sắc đánh" nhưng thằng Hiển ngọng ngịu không nói được: "Ờ anh anh sắc ánh mừ!". Nó lấy cây thước trâm bầu gõ trên cái nia (làm cái bảng) một cái phẹt để ổn định lớp học đang nhao nhao giành nhau: " Em giống má đôi mắt to mừ!", "Em giống má mái tóc dài nè chị hai", "Hiển cũng giống má cái mũi tẹt mừ, Hiển biết bắn chóc đùng giống má mừ". Con Bé nhìn bầy em giành nhau cũng tủi thân: " Tao cũng giống má héng!". Và bài mới con Bé dạy em là bài vè dân gian về đánh giặc Mỹ, nhìn mấy đứa nhỏ học thuộc lòng những bài vè ấy như sự căm thù giặc đã ngấm vào trong máu. Đứa nào cũng mong lớn lên giống má gan dạ đi đánh giặc, mong muốn được hòa bình được má cho đi học. Có thể, bây giờ đó là một việc rất bình thường nhưng trong thời chiến, đó là cả một sự khát khao đến cháy bỏng của trẻ con mà biết bao thế hệ chiến đấu để biến khát khao ấy thành sự thật.
 
          Trong phim, Chị Út tịch chỉ xuất hiện rất ít nhưng hình ảnh đầu phim và cuối phim đã thể hiện bản chất của một bà mẹ Nam bộ. Từ chiến khu trở về, bà mẹ ấy với bộ bà ba, quấn khăn rằn, vai đeo súng AK, lưng giắt lựu đạn nhưng trên nòng súng ấy treo cả một chùm bánh ú cho tụi nhỏ. Thấy mẹ, đứa nào cũng nhảy tưng tưng, giành quà, giành ôm mẹ vì nhớ. Sau lửa đạn của chiến trường, bà lại trở về là một bà mẹ của một đàn con, đôn hậu, cười dịu hiền nghe tụi nhỏ "báo cáo" thành tích ở nhà. Rồi bà nhanh nhẹn lấy cái nón lá rủ xắp nhỏ: "Giờ mấy má con mình ra vườn ngen". Nhìn bầy con thơ ríu rít theo mẹ ra vườn trong một phút giây ngắn ngủi trông rất đỗi đời thường nhưng khiến chúng ta thắt lòng. Rồi nó lại bị cắt ngang bởi tiếng trực thăng gầm, bởi tiếng súng của giặc...và người mẹ ấy lại cầm súng, giắt lựu đạn ngang lưng quần, quấn khăn rằn, nhanh nhẹn bơi xuồng vào chiến khu....
 
          Có đọc tác phẩm "Người mẹ cầm súng" của Nguyễn Thi và xem phim "Mẹ vắng nhà" mới cảm nhận hết câu nói rặc Nam Bộ: "Còn cái lai quần cũng đánh!" của Chị Út Tịch. Nó thể hiện một sự quyết tâm, kiên cường và bất khuất. Quyết tâm ấy đã ngấm trong từng dòng máu của người con Nam Bộ; chỉ có đánh mới có hòa bình, tự do cho con cháu và đồng bào mình. "Người mẹ cầm súng" ấy là một biểu tượng của phụ nữ Nam Bộ kiên cường trong chống Mỹ, xứng đáng với tám chữ vàng Bác Hồ đã trao tặng: "Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang"!
 
 

PHÉP THỬ CỦA MỘT TIN NHẮN.

        
 

hình ảnh minh họa

                 Nếu làm "một cuộc khảo sát nho nhỏ" thì chắc chắn là số người Việt đang tham gia Facebook hiện giờ là tính đơn vị hàng triệu. Trong mấy ngày qua, cộng đồng mạng cũng dậy sóng chỉ vì một phép thử tin nhắn "Em yêu anh" của "các đồng chí nữ" facebooker. Ý tưởng đó xuất phát từ một "đồng chí nữ" nào đấy đang "rảnh rỗi " và lan truyền tạo một "làn sóng biểu tình phép thử" tình yêu của chồng, người yêu mình. Và nếu các đồng chí ấy có cả "một ban để tổng hợp kết quả sau khi biểu tình" thì thế nào mặt cũng "bì xị như cái bánh bèo chiều" vì hầu hết nhận được là: Điên ah? Nhắn cho thằng nào đấy? Chưa tới tháng lương mà.....Các chị, các em thì cười hỉ hả như một trò đùa vui vẻ nhưng thực ra trong lòng không cười như thế??? Đó có phải là cách làm của một người phụ nữ thông minh hay không? Và cũng xin các chị, các em hãy xem lại mình, có phải chính chúng ta đã đánh mất một thứ gì đấy quí giá, yêu thương không bao giờ là một phép thử. Và có khi nào chúng ta tự hỏi tại sao "các ông ấy" không tin mình? Chỉ đơn giản vì tình yêu của mỗi chúng ta đã "mòn", đã "mất dần" theo từng ngày. Nếu sự yêu thương ấy được chúng ta trân trọng "đầu tư" hằng ngày bằng những việc rất cụ thể giản đơn thì tôi tin chắc chồng hoặc người yêu mình sẽ tin khi nói câu ấy. Đơn giản vì tình yêu không chỉ là giai đoạn yêu nhau thắm thiết xong là kết thúc mà nó cũng như cái cây cần phải chăm sóc, nâng niu mỗi ngày một chút để cái cây đó không sâu, không héo úa vươn lên tốt tươi bám chặt vào mảnh đất màu mỡ.
hình ảnh minh họa
               Khi thời đại ngày càng đổi mới, xu thế hội nhập mạnh mẽ và chúng ta cũng "hòa tan" theo cách nghĩ của người phương Tây (mà đôi khi tôi nghĩ chúng ta nghĩ chưa đúng theo cách nghĩ của người phương Tây), đó là việc chúng ta đang hiểu sai về "quyền bình đẳng giữa nam và nữ". Dĩ nhiên, đó là thành tựu đấu tranh nữ quyền mà cả thế giới này đã ghi nhận. Phụ nữ trong thời hiện đại tự do thể hiện năng lực của mình trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, họ có thể làm tốt vai trò ngang với nam giới. Nhưng cho dù với vai trò gì thì người phụ nữ hiện đại thực ra mang trọng trách nặng nề hơn khi chúng ta phải hoàn thành tốt vai trò một người vợ, người mẹ trước khi chúng ta thành công ngoài xã hội. Đó là một sự thành công trọn vẹn được hiểu theo nhiều nghĩa.Vậy bạn sẽ hỏi tôi rằng điều này có liên quan gì đến chủ đề tôi đang viết??? Có chứ- bạn sẽ thấy ngay thôi!!!
 
         Chúng ta sẽ hành động đúng và chuẩn mực khi nhận thức và suy nghĩ của chúng ta phải đúng và không bị chệch hướng. Hiện nay, đa số phụ nữ chỉ chú trọng đến một vế "thành công bên ngoài xã hội" hoặc chúng ta chỉ "đầu tư theo một kênh duy nhất"- là công việc và chức vụ- Mà vô tình chúng ta không biết rằng chúng ta đang để "trống khung thành cho đối phương có thể ghi bàn" hoặc nếu chúng ta chỉ đầu tư tập trung và mất thăng bằng, chắc chắn rằng chúng ta sẽ gặp nhiều rủi ro. Và chúng ta quên rằng "kênh đáng đầu tư nhất", là điểm tựa vững chắc cho chúng ta nhất để yên tâm "ra khơi"- chính là mái ấm gia đình-
 
 
hình minh họa
           Đa số các chị em sau khi tan sở cứ phải trả lời rằng: Tui phải về đi chợ, nấu cơm cho chồng, con??? Khi chúng ta dùng từ "Phải" có nghĩa đó là một sự bắt buộc, nghĩa vụ phải làm mà không thấy thể hiện niềm vui, sự yêu thương khi chúng ta chăm sóc gia đình. Dĩ nhiên, nói đến đây các chị lại có hàng ngàn cách lý giải và biện minh, mà chung quy là chúng ta nên phải tự giải phóng mình đi, phải thể hiện được nữ quyền. Nhưng tôi cũng xin thưa rằng cả thế giới này đang chứng minh sức mạnh thật sự không phải là phô trương sự đánh đấm mà sức mạnh huyền bí đang nắm giữ thế giới này- đó chính là "sức mạnh mềm". Và tôi nghĩ rằng không tự dưng ông bà ta đã đúc kết câu tục ngữ: "Lạt mềm buộc chặt". Vậy đó có phải là một "sức mạnh mềm" hay không??? Nếu bếp lửa của gia đình hằng ngày không nổi lửa, chúng ta không biết cách nấu cơm, điều chỉnh ngọn lửa ấy to nhỏ sao cho nồi cơm khỏi khét thì làm sao chúng ta có thể giữ vững mái ấm gia đình. Các chị sẽ bảo rằng đi mua thức ăn ở siêu thị nhiều khi còn ngon hơn và thịnh soạn hơn mình tự nấu. Thế mà, một bữa cơm chiều rau muống luộc trứng vịt chiên nhưng vẫn có "sức mạnh" hơn nhiều vì đó là có cả một sự yêu thương, tấm lòng chăm chút của người vợ, người mẹ. Đó là bữa ăn ngon nhất vì có sự hòa thuận của một mái ấm gia đình chứ! 
  
           Hầu hết phụ nữ chúng ta đang chứng tỏ ngang quyền với nam giới trong cả cách ăn nhậu và tiếp khách, phải chứng tỏ uống "ngang cơ" với mấy ổng thì mới chịu. Theo tôi, việc thoáng trong giao tiếp không có nghĩa nhất thiết phải như thế, tôi tin chắc rằng "đối tác" vẫn nể trọng một người phụ nữ thông minh, biết nói điều gì là cần thiết, nói đến đâu và nói như thế nào? và sự khôn khéo của phụ nữ là thể hiện ở chỗ phải luôn biết kiểm soát bản thân mình; chứ không phải là "uống tới bến" chân nọ đá chân kia. Vậy việc giữ hình ảnh đẹp cũng là góp phần giữ cho nếp nhà mình luôn "ấm" đấy chứ!  
 
           Nếu có chút thời gian chúng ta lướt một lượt facebook, chúng ta sẽ có kết quả của một cuộc điều tra nho nhỏ là hầu hết phụ nữ chúng ta (mà thực ra là hầu hết mọi người) "post" hình ảnh khoe con, khoe lối sống giàu sang, khoe đang ăn món gì, đang đi đâu và rất siêng "comment" và thậm chí là "share" kinh nghiệm giữ chồng, nuôi con rất tích cực; "canh me" để bấm nút "like" hoặc "dislike", chuyện riêng tư giữa vợ chồng vô tư đem lên cộng đồng mạng xin "tư vấn". Xin thưa rằng: Cách giữ gìn hạnh phúc không bao giờ là mẫu số chung cho tất cả chúng ta; mà mỗi chúng ta phải có" bí quyết riêng", là " bản sắc riêng". Thực sự, chúng ta đang chăm sóc cho "cái ảo tưởng trên mạng" thay vì chúng ta đầu tư chăm sóc mái ấm của chính mình. Sao chúng ta không dành thời gian để chơi với con, để gần gũi cùng người bạn đời biết anh ấy đang cần điều gì và đang nghĩ điều gì, có cần sự san sẻ của người vợ hay không? Chính chúng ta cũng góp phần làm nguội lạnh mái ấm và bếp lửa của gia đình cũng dần tắt.
 
hình minh họa
 
          Và khi lửa bắt đầu tắt và nguội lạnh thì hoảng hốt nhìn lại, đùng một phát đi làm đẹp, bắt đầu chỉnh sửa chỗ này, chỗ kia....chỉnh riết đến một lúc "đối tác" nằm bên cạnh phải hoảng sợ: "Á.....Á, không phải vợ tui". Đó chỉ là cách nói hóm hỉnh nhưng đó cũng là sự thật. Làm đẹp là một quá trình, kiên nhẫn và biết sắp xếp thông minh thời gian. Nhiều chị em cứ phải nghĩ có con, công việc bận rộn sao mà làm đẹp được. Xin thưa rằng, đó là vì chúng ta không biết cách sắp xếp và bố trí công việc khoa học và hợp lý. Làm đẹp đâu nhất thiết phải đến spa, điều kiện chúng ta đến đâu chúng ta tự biết cân đối đến đó. Tôi tin chắc rằng hầu như người phụ nữ biết nấu ăn, yêu ẩm thực sẽ biết cách vận dụng những nguyên liệu tự nhiên để tự làm đẹp cho chính mình. Đó mới là làm đẹp "đẳng cấp" thực sự!!
  
             Nhưng không có "sắc" nào mà không phai tàn theo thời gian, chỉ có "hương" là vẫn nồng nàn và quyến rũ mãi mãi. Ngày nay, người phụ nữ có điều kiện để học hành nâng cao trình độ, có vị trí cao trong xã hội. Chúng ta có quyền bồi dưỡng kiến thức để ngang tầm với nam giới nhưng trong gia đình hãy vận dụng khéo léo sự hiểu biết ấy để âm thầm tư vấn, ủng hộ người bạn đời mình. Hãy là người phụ nữ thông minh khi biết "yếu, mạnh" đúng nơi, đúng lúc. Tôi tin chắc rằng người đàn ông dù mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ có những lúc cần "tựa" trên đôi vai của "nội tướng", cũng cần sự an ủi và chia sẻ, biết đâu trong khoảnh khắc nào đó lại cần "sự quyết đoán thông minh của nội tướng" lắm chứ! Một mái ấm vững bền nhất khi cả hai người cùng đồng lòng dựng xây, vun đắp, nâng đỡ tôn trọng nhau trong cuộc sống.
     
              Vậy hạnh phúc nào cũng có sự tận tâm và đầu tư chính đáng, chứ không phải tự dưng trên trời rớt xuống và luôn cần sự đồng lòng của "cả hai đối tác" trong mái ấm. Và tại sao những cử chỉ, lời nói yêu thương chúng ta không "nêm nếm" sao cho vừa  từng bữa ăn, để đó trở thành một thói quen, để người bạn đời luôn phải thầm thì rằng: " Cảm ơn cuộc đời đã mang em đến với anh" và khi chúng ta nói: "Em yêu anh". Chắc chắn anh ấy sẽ hoàn toàn tin rằng: " Đây là lời của em xã tui nè!!!"

hình ảnh minh họa

       
  
 
       

WHEN YOU TELL ME THAT LOVE ME- Khi em nói rằng yêu anh-

           

               Nếu bạn đã từng biết rất rõ về "huyền thoại âm nhạc" Diana Ross với những ca khúc bất hủ vượt thời gian như: Endless love; If hold on together thì không thể nào không biết đến ca khúc When you tell me that love me (Khi em nói rằng em yêu anh). Những ca khúc mang đậm hơi thở của sức mạnh tình yêu thương luôn trường tồn với thời gian và như để minh chứng rằng- tình yêu thực sự luôn vượt qua mọi không gian và thời gian- Dù bạn nghe bản gốc của Diana Ross hay những bản "cover" sau này của Diana Ross và Westlife,"Variuos Artists" vẫn mang những nét hay riêng, sự phối hợp, hòa âm nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa giọng hát "gạo cội" và sự phối bè của nhóm nhạc trẻ tuổi vẫn không làm thay đổi đi sự lãng mạn và mạnh mẽ âm hưởng tình yêu của bài hát "When you tell me that love me ".
              Khi cuộc sống ngày càng hiện đại và công nghệ hơn thì xu hướng thưởng thức âm nhạc của chúng ta chắc chắn sẽ có sự thay đổi và có nhiều lựa chọn. Nhưng với những ca khúc có giá trị vượt thời gian vẫn có một chỗ đứng khá vững chắc. Bạn sẽ đánh giá: với những người yêu những dòng nhạc này là phi thực tế, "lãng xẹt treo ngược cành cây". Nhưng bạn nên biết rằng giá trị cuộc sống nằm ở chỗ không phải nhất thiết chúng ta đi theo xu hướng của đám đông, cái quan trọng chúng ta phải biết lựa chọn "điểm tựa giá trị cho tâm hồn mình" làm động lực nâng đỡ tất cả những giá trị khác phát triển toàn diện. Và tình yêu thương trong cuộc sống luôn là cái gốc, là điểm tựa để mỗi chúng ta phấn đấu và hướng đến những giá trị hoàn mỹ. Mãi mãi, tình yêu luôn có sức mạnh mãnh liệt:
"I wanna call the stars down from the sky


I wanna live a day that never dies


I wanna change the world only for you


All the impossible I wanna do"


(Anh muốn gọi xuống những vì sao toả ánh sáng nơi trời cao xanh thẳm
Anh muốn sống những tháng ngày vô tận những tháng ngày chẳng biết đến ngày mai
Anh muốn thay đổi cả thế giới này chỉ là để dành riêng cho em đấy
Tất cả những gì không thể thấy (vì em) anh vẫn muốn làm)
           Đã có những lúc anh tự hỏi rằng: nếu không có em hiện hữu trong cuộc đời anh thì sẽ ra sao? Uh, thì anh vẫn sống và làm việc, vẫn đã từng yêu nhưng mỗi bông hoa tình yêu vẫn mang một "hương sắc" khác nhau. Vẫn có loài hoa không đẹp rực rỡ nhưng hương thơm vẫn nhẹ nhàng, nồng nàn, quyến rũ trong tâm hồn anh. Vẫn là "một sức mạnh mềm" để anh vẫn "muốn hái sao trên trời cao", "muốn thay đổi cả thế giới này" nếu em muốn anh làm.
"I wanna hold you close under the rain
I wanna kiss your smile
And feel the pain.
I know what's beautiful
Looking at you

In a world of lies you are the truth"
(Anh muốn ôm em thật chặt vào lòng dưới cơn mưa tầm tã triền miên
Anh muốn hôn nụ cười tươi tắn của em
Để cảm nhận nỗi đau đớn
Anh đã biết vẻ đẹp kia đích thực
Khi anh ngắm nhìn gương mặt em yêu

Trong thế giới đầy dối gian thì em chính là sự thật)
              Em bước vào cuộc sống của anh một cách tự nhiên và bất ngờ. Giờ đây, anh cảm thấy yêu những khoảnh khắc diệu kỳ của cuộc sống này khi mang em đến bên cạnh anh. Để anh thấy cuộc đời mình ý nghĩa và ấm áp hơn. Anh vẫn thích nụ cười tươi tắn hiện diện trên gương mặt em. Đó có lẽ là nụ cười rạng rỡ và hạnh phúc nhất anh mong muốn mang lại cho em. Và khi em cảm thấy mình "đau" với những nỗi niềm riêng chôn giấu, anh vẫn muốn là người mãi mãi bên em, vẫn là bờ vai để em tựa khi khóc, ôm em thật chặt vào lòng để cảm nhận được những buồn phiền nơi em và vẫn là người luôn nói rằng: "Hãy nắm lấy tay anh!" khi em trượt ngã trên đường đời. Ngày em đến- Anh cảm nhận rằng nét đẹp của "hương", của tâm hồn em- là nét đẹp quyến rũ anh nhất và vẫn luôn vương vấn theo thời gian, là niềm tin yêu giữa cuộc sống bộn bề, đầy rẫy những lời gian dối này:
                                                                                          "And baby
Everytime you touch me
I become a hero I'll make you safe
No matter where you are
And bring you everything you ask for
Nothing is above me
I'm shining like a candle in the dark

When you tell me that you love me"
(Và em yêu ơi,
Mỗi khi em bên cạnh anh lại thành người hùng dũng mãnh
Sẽ che chở em, dù bất cứ nơi đâu,sẽ mang cho em những gì em muốn
Anh có thể vượt lên trên tất cả
Có thể cháy hết mình như ngọn nến suốt đêm thâu
Khi em nói rằng em yêu anh)
                 Khi cầm tay em, anh vẫn cảm nhận được sự nồng ấm của yêu thương, đó là một sức mạnh giúp anh vượt qua bao muộn phiền, khó khăn, là động lực để anh vươn đến giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Và...em yêu ơi! Anh muốn mãi là "người hùng" của em, sẽ cõng em trên lưng khi em "mè nheo", mãi mãi che chở, bảo vệ em cho dù em ở bất cứ nơi đâu.
hình ảnh minh họa
"I wanna make you see just what I was
Show you the loneliness
And what it does you walked into my life
To stop my tears everything's easy now
I have you here
Anh muốn cho em thấy anh là người như thế nào?"
(Cho em thấy anh thực sự cô đơn như thế nào và những gì nó đã làm với  anh.
Anh đã hiện hữu trong cuộc sống của em
Để làm em vơi đi những giọt nước mắt
Mọi thứ giờ đây thật dễ dàng
Khi có anh ở nơi đây
          Khi em rời xa, anh mới cảm nhận được sự lạnh giá và cô đơn nơi đây. Anh chơi vơi trong giữa biển cuộc sống, anh vẫn sống, vẫn làm việc nhưng thấy cuộc đời này chẳng còn ý nghĩa. Anh vẫn luôn cảm nhận nụ cười, hình bóng và hơi ấm của em quây quanh mình. Anh không bao giờ muốn làm em bị tổn thương vì anh đã hiện hữu trong cuộc sống của em, muốn mang đến em nụ cười của hạnh phúc hay làm cho em vơi những giọt nước mắt ngắn dài và muốn em biết rằng khi có anh bên cạnh, mọi chuyện điều sẽ vượt qua thật dễ dàng!
        Anh sẽ làm tất cả mọi thứ để em biết rằng anh là một người đáng tin cậy. Anh sẽ là niềm tin, là điểm tựa để em trở về. Anh vẫn mong một ngày nào đó, em sẽ thì thầm với anh: "Em yêu anh!" để anh thấy mình hạnh phúc thật trọn vẹn.Và anh cũng sẽ nói với em rằng:

"And baby
Everytime you touch me
I become a hero I'll make you safe
No matter where you are
And bring you everything you ask for
Nothing is above me
I'm shining like a candle in the dark

When you tell me that you love me"
(Và em yêu hỡi,
Mỗi khi em bên cạnh anh lại thành người hùng dũng mãnh
 Sẽ che chở em, dù bất cứ nơi đâu,sẽ mang cho em những gì em muốn
Anh có thể vượt lên trên tất cả
Có thể cháy hết mình như ngọn nến suốt đêm thâu
 Khi em nói rằng em yêu anh) 
















Sunflower

Hướng về ánh mặt trời
Được tạo bởi Blogger.

Người đóng góp cho blog

Blogroll

About

Blogger templates

Blogger news