PUMNUC

Hướng về ánh mặt trời

CHẲNG CÒN VÉ HÀNG ƯU TIÊN

        

          Tớ và cậu- Nói theo kiểu văn chương một chút từng là "hương sắc", từng đi chung trên một chặng đường đời. Và nói theo kiểu pháp lý thì cũng từng có quyền và nghĩa vụ liên quan. Chỉ có chúng ta- người trong cuộc- mới hiểu được tình tiết và nguyên nhân của cả một câu chuyện. Đôi khi, cậu không dám nhìn nhận sự thật nhưng tớ dù có "tổn thương" đến cỡ nào cũng cứ mạnh dạn đối diện vết thương, nhìn thấy rõ mới biết cách tự mình chữa lành.

          Cậu từng bảo với tớ rằng:"Có tiền mua tiên cũng được". Tớ- về phần "sắc" tự nhận mình "vừa đủ điểm đậu", chẳng "sắc nước hương trời", cũng chẳng phải "chim sa cá lặn" như tiên nên cậu chẳng bao giờ "mua được". Tớ là một bông hoa ngát "hương" nên hằng ngày tự trau dồi kiến thức, cần mẫn làm từ những việc nhỏ nhất cho con trai tớ, sống hữu ích với cuộc sống này, nên cậu cũng chẳng "đủ tiền" để "mua" nổi "phần hương" thoang thoảng nhưng bền lâu của tớ.

          Với cậu, cho dù luôn trả lời rằng:"chỉ là cà rỡn cho vui", tớ luôn là người có ý nghĩa nhất, là người cho cậu định hướng và thiết tha với cuộc sống này thì....điều đó giờ chẳng còn ý nghĩa. Với tớ, hành động quan trọng hơn lời nói.Với tớ, gia đình chẳng phải là cái "sọt rác" để "giỡn cho vui" hay thử nghiệm, mà là tất cả cuộc đời tớ, đó là nơi tớ trân trọng xếp hàng đầu sau sự nghiệp nên tớ sẵn sàng hy sinh và tự nguyện "lùi một bước" cho cậu vượt lên phía trước. Tớ lặng lẽ làm tròn vai của "một nội tướng". Kể cả khi tớ lặng lẽ bước đi, cậu cũng nghĩ rằng: tớ đang giỡn chơi như cậu từng "hù dọa" tớ.

           Người yêu cậu từng nhắn gửi với tớ rằng: Chỉ có người phụ nữ khùng như tớ mới ra đi hai bàn tay trắng, và cô ấy từng xem mặt tớ để biết "người trước" của cậu khùng đến cỡ nào. Còn Mami của tớ thì lại bảo:"Bị Mụ bà nắn nhầm hay sao đó. Bỏ tiền triệu mà giờ lại cần mẫn đi làm để kiếm tiền lẻ". Tớ lặng im và mỉm cười! Tớ cho cậu "tự xoa dịu" chút lòng tự trọng của mình. Nhưng cậu- có dám nhìn thẳng vào đôi mắt của tớ không???
    
         Cậu thắc mắc về người đàn ông của tớ sao? Cậu yên tâm, cuộc đời này lạ lắm, mỗi người đều có một nửa của mình, đều có duyên và có nợ cả. Nên tớ chẳng có gì là vội vàng, hay tùy tiện tìm một người để chứng tỏ rằng mình còn độ "hot".Tớ vẫn tin là tớ sẽ có người đàn ông cho cuộc đời mình. Người đủ bản lĩnh và mạnh mẽ kiên nhẫn để hiểu, yêu cả những vết sẹo tổn thương trong lòng tớ, thèm một ly cà phê sáng tớ pha và sẵn sàng "thí nghiệm" để thử "level nấu nướng" của tớ. Thích ngắm cái mũi tẹt và "gương mặt mèo lưu manh" của tớ mỗi buổi sớm thức giấc.

           Nếu trên đời này hận thù làm tớ đẹp hơn một chút thì chắc chắn tớ sẽ hận cậu sâu đậm nhưng tiếc rằng "phần sắc" của tớ "đủ điểm đậu", tớ chẳng muốn bị "rớt" nên cứ phải nghe lời con trai:"Mẹ cười thật tươi và thoải mái là đẹp nhất thế gian!". Tớ sẽ "trả thù" cậu bằng cách tớ sống rất vui tươi và chắc chắn là hạnh phúc!!!
         
        Còn cậu, muốn "kua" lại tớ sao??? Vậy thì hãy xếp hàng trật tự nhé, vì cậu chẳng còn "lượt về" hay vé "hạng ưu tiên" nào cả!!!

       

     

    

DỌN DẸP Ư??? CHÚNG TA...."CƯA ĐÔI".

        

 
            Cuối tuần vừa đi thi về, bước vào phòng, mẹ thấy bày bừa bộn đồ chơi trên bàn học của Gấu, mẹ "nổi khùng" lên:
        - Căn phòng này là của ai?
        - Dạ, của Gấu!
        - Vậy tại sao mẹ nhìn thấy giống....."cái tổ chim" bày tùm lum vậy???
        Gấu im lặng hiểu ý mẹ, xếp từng món đồ chơi Lego tìm hộp, lấy băng keo dán lại và xếp vào thứ tự, để đúng vị trí, lau bàn học gọn gàng.
 
         Chiều ngủ dậy, con mở mắt trước:"Dọn phòng mẹ ơi!". Mẹ hỏi cắt cớ:"Phòng này của ai?". "Dạ, của Gấu". Mẹ chỉ hướng dẫn và phụ con lau nhà, còn phòng này là không gian riêng của Gấu, con phải có trách nhiệm giữ gìn sạch sẽ, dọn gọn bàn học và không bày bừa bãi đồ chơi. Dọn dẹp không chỉ là trách nhiệm của mẹ mà chúng ta....."cưa đôi".
 
        Mẹ giặt drap trải giường và gối mền, mẹ dỗi:"Giặt xong, không có ai phụ mẹ để ráp vào hết, chán gì đâu!". Vậy là, Gấu bỏ đồ chơi xếp hình xuống, vội chạy lại nắm hai đầu của drap làm rất chuyên nghiệp. Con bảo mẹ nhắm mắt lại trong 5 phút qua bên phòng mẹ đi. Gấu loay hoay gọi:"Teng teng, xong rồi nè mẹ!". Không ngờ, con cũng biết mặc áo cho mấy chiếc gối trên giường để ngay ngắn.
 
 
         Cái labo trong phòng tắm của mẹ bị "ngẹt" không thoát nước được vì xài lâu ngày. Con đánh răng và để ý nói với mẹ sửa. Mẹ thì chần chừ bảo cuối tuần mẹ sẽ nhờ ông ngoại xem. Chiều về, con chạy ra đón mẹ khoe:"Mẹ vô xem này, con đã tháo chiếc cái nắp của labo trong phòng tắm, nước chảy ra hết rồi, con tự gắn vào và ổn rồi mẹ!". Mẹ không tin là con làm, chỉ cười cười xoa đầu con. Sáng nay, cái labo lại hư lần nữa, mẹ loay hoay rồi cũng "trớt quớt". Ăn sáng xong, Gấu "im lặng" trong giây lát rồi chạy ra bảo với cả nhà:"Con đã sửa nước xong cho mẹ con rồi". Uh, mà đúng thật là con làm được. Cả nhà tròn mắt nhìn con.
 
        Đôi khi dạy con, mẹ nghiêm khắc và có hơi "bạo chúa" một chút. Nhưng điều mẹ muốn con trai đã lớn và từ từ chịu trách nhiệm việc của mình làm. Tập tính gọn gàng, khoa học là rèn luyện từ nhỏ, từ những việc rất đỗi giản đơn, nhưng sẽ hình thành trong con cách suy nghĩ và làm việc có trách nhiệm, sắp xếp khoa học khi lớn lên, Gấu nhé!
 
 

NHỮNG ĐỒNG TIỀN LẺ.

        


          Ba tớ hay phàn nàn với mẹ:"Bà sinh nhầm con rồi, nó chẳng phải con gái...", khi ông chẳng bao giờ thấy tớ cầm tiền đếm, tiền lẻ gom lại lâu lâu đưa cho mẹ đi chợ mua rau, chẳng bao giờ xếp gọn gàng. Đi chợ về thì "hốt" một nắm tiền lẻ bỏ trên bàn, mẹ hỏi sao nhiều vậy? Tớ gãi đầu trả lời:"Vì con làm biếng đếm tiền lẻ đưa cho người ta, con lấy đồng tiền lớn cho người ta thối cho lẹ". Đấy, ba tớ lại "mắng vốn" mẹ sinh tớ lộn ngày, lộn tháng, phụ nữ mà không cặn kẽ, chi li, không kỹ càng....Mà cũng đúng, cái ví của tớ rất hiếm khi có tiền lẻ vì không thích ngồi đếm từng tờ mất thời gian, bỏ hết ra ngoài bàn cho gọn nhẹ.
 
  
          Hôm sang Nhật Bản công tác, tớ "tung tăng" trong siêu thị, tớ quan sát thói quen của người dân bản địa. Tớ thấy họ xài tiền xu rất thông dụng, cách mua hàng và nhận tiền thừa cũng rất trân trọng và kỹ càng. Không như tớ, đi siêu thị còn tiền xu thừa tớ bảo cô bán hàng đổi kẹo cho tớ ăn. Rõ ràng, có sự khác biệt trong cách sử dụng những đồng tiền xu lẻ. Tớ thắc mắc hỏi bác hướng dẫn viên. Bác ấy bảo rằng: Nét đặc trưng của người Nhật đó là tinh thần võ sĩ đạo và cái cách họ sử dụng đồng tiền xu thể hiện sự tôn trọng đối với hình ảnh quốc gia, nền kinh tế của họ. Họ quan niệm rằng có một xu mới có hai xu, có hai thì mới có ba, bốn và nhân lên gấp bội. Có nghĩa là phải biết tiết kiệm từng đồng, dành dụm thì mới giàu có. Giống như ông bà Việt Nam mình có câu:"Kiến tha lâu cũng đầy tổ". Tớ tròn mắt lắng nghe và tự cảm thấy xấu hổ về "cái tính trớt quớt" của mình. Thì đồng tiền của nước tớ cũng có hình ảnh Hồ Chủ tịch đầy tự hào kia mà!!!
 
           Sau này, tớ tập cho mình thói quen gom tiền lẻ, xếp ngay ngắn và nếu có thời gian tớ thích cuối tuần sẽ tung tăng đi chợ quê. Gửi xe, tớ đi bộ dọc hai bên hông chợ, tớ thích đi ngang qua chỗ những cụ già bày ra cái thúng bán những rau củ trong vườn nhà. Mặc dù, "level" nhận biết rau trong bưng của tớ có "giới hạn" nhưng tớ thích mua hết. Hôm tớ thấy một bà cụ ngồi trong góc tối bán một rổ quả "trứng gà" (quả lê- ki- ma) mà hổng có ai hỏi mua. Tự dưng, tớ nhớ bà nội da diết, sao giống bà nội quá, cũng lưng khòm khòm, bán những quả trong vườn nhà để mua quà vặt cho mấy đứa cháu. Tớ xếp lại một xấp tiền lẻ gọn gàng và hỏi mua rổ lê-ki-ma. Bà hỏi:"Con có biết ăn không mà mua?". Tớ cười cười:"Dạ, nhà nội con cũng từng có mà bà!". Bà bảo con đừng đưa "đồng tiền to" bà chẳng có tiền để thối lại, bà thích mấy đồng bạc lẻ mua mấy bịch bánh cho mấy đứa cháu nó vui.
 
          Đúng là, việc tốt bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Những đồng tiền lẻ cũng có những "mệnh giá" của riêng nó, trên những đồng tiền lẻ cũ kỹ ấy vẫn mang biểu tượng một dân tộc, biểu tượng của một nền kinh tế quốc gia.

GÀ MẸ VÀ GÀ CON



          Gà mẹ yêu thích khung cảnh yên bình dắt đàn con tung tăng trong nắng sớm, lang thang trong vườn hoa, nhởn nhơ nhìn đàn con lông vàng ươm tíu tít. Gà mẹ dịu dàng ngắm nhìn đàn con trong khoảnh sân an toàn của mình. Cũng như mẹ, sau bao nhiêu ngày "vật lộn" ngoài đời vẫn thích những ngày cuối tuần sẽ ngủ dậy muộn hơn bình thường, không phải vội vội vàng vàng đi từ sáng sớm, một ngày cuối tuần bận rộn dọn dẹp tới lui, cũng sẽ "nổi khùng lên" nhưng là giây phút có Gấu bên cạnh, là lúc cả hai mẹ con nằm đọc truyện Trạng Quỳnh và xem phim "101 chú chó đốm", hay là buổi sáng tinh sương khi mọi người còn chưa  ngủ dậy hai mẹ con đã ríu rít đi bộ trước nhà nói chuyện rân trời, là lúc hai đứa chơi đá banh mà đá bay luôn cái bàn thờ thiên trước nhà ông ngoại...Sau những tháng ngày tất bật, trong một khoảng lặng "gà mẹ" ngẫm nghĩ có tiền bạc nào mua được những giây phút ấy, có vật chất nào có thể đánh đổi những hạnh phúc tưởng rất đỗi giản đơn.
 
         Gà mẹ lúc nào cũng muốn dắt đàn con đến mảnh đất mềm và xốp, có cỏ xanh trải thảm, là vườn rau đầy bông hoa cải vàng rực. Không phải là mảnh đất khô cằn hay lầy lội để đàn con bới tìm khó khăn. Gà mẹ cũng thích những buổi trưa hè yên ả, ôm đàn con nằm dưới bóng mát trong vườn nhà. Cũng như mẹ, lúc nào cũng muốn mọi điều tốt đẹp sẽ đến với con, luôn luôn muốn được bên con thật bình yên và vui vẻ. Nhưng cuộc sống không phải là thảm hoa hồng mềm mại trải dài dưới chân nên "gà mẹ" cứ phải giẫm đạp lên  cành gai hoa hồng, tất tả bới tìm từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về. Nhìn con ôm chặt "gà mẹ" kêu nhớ sao "gà mẹ" không xót xa. Khuya sáng sớm dụi mắt tìm hơi ấm "gà mẹ", thức dậy tự ngồi vào bàn ăn cơm để kịp đến trường. Vào lớp học sớm, "gà mẹ" tự hỏi không biết "gà con" có ăn ngon không? Không biết có vào trễ học hay có bị ai bắt nạt ở lớp không? Tự dưng nghe nhớ "gà con" da diết trong lòng!!!


        Gà mẹ cũng muốn mình dịu dàng, nhẹ nhàng dang đôi cánh ôm đàn con, bình yên đi trong sân nhà. Nhưng dù chỉ là khoảnh sân thôi cũng chưa hẳn là an toàn tuyệt đối. Lúc nào gà mẹ cũng sợ bọn quạ cắp mất con của mình bay đi, nên gà mẹ cũng phải canh chừng cảnh giác. Gà mẹ yêu đàn con nhưng không phải mãi mãi nâng niu và ấp ủ, mà muốn dạy cho  con mình những kỹ năng tự vệ để trưởng thành. Khi còn nhỏ, "Gà mẹ" hay dặn con rằng hay nhường bạn một bước trong chơi đùa, nhưng khi con đã vào lớp một dần dà hình thành tính cách nhường nhịn quá đáng trong "gà con". Khi nhìn cánh tay "gà con" bị bầm tím, đầy dấu tích, hay là cảnh tượng con nhường bạn đứng nép vào tường sợ sệt, "gà mẹ" đã nhận ra cái sai trong cách hướng dẫn con chưa tới, nhường nhịn nhưng không phải là nhu nhược mà cũng phải biết tự vệ để bảo vệ mình. Vậy là "gà mẹ" điều chỉnh cách dạy con, từ đó gà con đã tự tin hẳn lên và về nhà khoe với gà mẹ :"Mẹ ơi, Bạn X không còn bắt nạt con nữa mẹ, con cảm ơn mẹ!". Và chính bản thân gà mẹ cũng phải tự điều chỉnh bài học này trong cuộc sống. Đôi khi im lặng và nhường nhịn không đúng nơi, đúng chỗ cũng chưa phải là một cách hay.

        Đã sinh ra trên cõi đời này, ai cũng muốn được hạnh phúc, trọn vẹn, muốn con đường suôn sẻ chẳng ai tự dưng lao vào nơi đường lầy lội và khó khăn. "Gà mẹ" cũng chẳng bao giờ mong muốn phấn đấu để trở thành một hình tượng anh hùng mạnh mẽ nào. Chỉ là "gà mẹ" vẫn có tố chất của một bà mẹ, vẫn luôn luôn bảo vệ con mình, sẵn sàng trút hết sức mạnh lên đôi cánh để dang rộng bảo vệ "gà con". Chỉ là gà mẹ sống và làm việc luôn có suy nghĩ vì "gà con". Nên đôi khi giữa tất bật của đời thường, gà mẹ cũng muốn bươn chải và bới tìm để gà con được "no đủ", nhưng gà mẹ cũng kịp suy nghĩ rằng nếu dành thời gian bên gà con, yêu gà con nhiều hơn, đồng hành cùng gà con nhiều hơn, bắt buộc gà mẹ phải học cách "buông bỏ" và "đánh đổi".

         Một ngày mệt mỏi biết bao nhiêu là chuyện, có những lúc "gà mẹ" tắt điện thoại, buông người trên giường chỉ nằm cạnh "gà con" để nói chuyện, để chia sẻ cảm tưởng sau khi xem một bộ phim hoạt hình mà thấy "gà con" quẹt nước mắt vì "Em bé đó bị mẹ bỏ rơi tội nghiệp quá mẹ!", là những khoảnh khắc nằm trên đùi của "gà con" để xem xếp Lego Chima, là những lúc đi làm về gà con vòng tay ôm eo gà mẹ kêu nhớ suốt cả ngày.

        Rồi cũng sẽ đến lúc gà con trưởng thành, trở thành một "chú gà trống choai" có thể tự lập tự kiếm ăn trong vườn nhà mà chẳng cần có gà mẹ bên cạnh. Nhưng trong mắt gà mẹ, vẫn là một chú gà con lông vàng ươm mát dịu ngày nào, vẫn tíu tít đi bên gà mẹ lang thang trong vườn hoa.

       


       
      

RỒI EM SẼ NHÌN THẤY ÁNH SÁNG NƠI CHÂN TRỜI!!

       


        Nhìn em đang quẫy vùng trong mệt mỏi, nét mặt buồn phiền trong giấc ngủ, không còn vui tươi hồn nhiên như lúc trước. Hai tự hỏi sao những chuyện này lại xảy đến với nhà mình một lần nữa. Em không giấu nỗi buồn và nét mặt đó trong lòng mình được. Có lẽ, em sợ mẹ buồn và bệnh nặng thêm nên cứ phải một mình "tự bơi" và gánh chịu. Những điều hai mong chờ và hy vọng đã không thành sự thật. Chỉ có điều nó đến sớm quá mà em thì chưa đủ kinh nghiệm sống và bản lĩnh để vượt qua. Hai nhìn thấy được nét mặt buồn phiền của ba, buồn nhưng không nói và thể hiện ra được. Nhưng biết làm sao cuộc đời này, chữ "ngờ" có mấy ai mà học cách đoán trước và đối phó đâu em.

       Mấy chị em mình đứa nào cũng tự cố gắng, tự nỗ lực học hành, sống và làm việc để không bao giờ làm phiền lòng ba mẹ. Nhưng, hôn nhân là một chuyện không đơn giản, không phải do tự chúng ta quyết định được và không phải bản thân mình muốn nắn như thế nào thì nó ra như thế đấy. Đó là câu chuyện cần có "hai người đồng lòng phối hợp ăn ý", nên đôi khi ngồi suy nghĩ thì cũng chẳng biết trách ai, chỉ cảm thấy buồn. Chỉ trách con người chỉ vì sự ích kỷ của mình để làm tổn thương đến người khác. Họ chỉ nghĩ rằng chỉ có họ là biết thương yêu cha mẹ gia đình họ, biết sống vì danh dự, còn họ có thể xem thường, không cần quan tâm cảm giác và tình cảm của người khác. Em nói đúng, người khác có thể làm chúng ta tổn thương nhưng không một ai được phép "xúc phạm" cha mẹ mình, chúng ta cũng biết bảo vệ gia đình mình theo cách của chúng ta chứ!



         Vậy nếu em muốn khóc, hãy cứ khóc, không cần phải kìm nén. Em bảo rằng thấm thía những gì hai đã trải qua. Sao hai sống và vượt qua được ư??? Không ai thương mình khi chính mình không biết trân trọng bản thân và cuộc sống của mình, em ah!

          Em muốn tự tử, muốn chết sao??? Hai bảo rằng hai sẽ chỉ cho em cách chết để đẹp nhất, không mất hình ảnh nhất. Hai sẽ chỉ cho em thấy rằng "xuống dưới đó" không mỉm cười vui vẻ đâu, xuống dưới đó chỉ nhìn thấy con mình mà chẳng có chạm vào, chẳng thể nào ôm con vào lòng để cảm nhận hơi ấm....Chết là cách lựa chọn "hèn nhát" yếu đuối! Ngoài kia, biết bao người họ giành giật từng giây phút để được sống, dù ngắn ngủi. Em có biết được sống là quý giá đến mức nào không? Đừng để "sĩ diện hão" giết chết chính bản thân mình, cứ hãy mạnh dạn đối diện cuộc sống hiện tại, chỉ có dám đối diện em mới tìm ra được lối đi không bế tắc.

         Hai vui mừng khi em nói câu cảm ơn, chỉ vì một câu nói của hai mà làm động lực để em phấn đấu, cố gắng bằng ý chí để thi đậu chuyên môn em thích. Hai đâu giỏi giang gì và cũng không thích "giảng đạo" lý thuyết với em, chỉ là hai truyền cho em những kinh nghiệm đã vượt qua của chính mình. Vậy, em hãy lấy đó làm động lực để mình đứng lên, tiếp tục sống, hãy làm lại một lần nữa trong kỳ thi cao học và hãy trả lời hai bằng kết quả. Đừng ủ rũ, than phiền, nói nhiều mà hãy.....làm đi!!!


          Buồn ư? Cuộc sống này là vui buồn, đắng cay lẫn lộn và tiếp nối nhau, ăn thua là cách chúng ta nhìn nhận theo chiều hướng nào, vậy thôi. Khi chúng ta mất niềm tin vào mọi người xung quanh thì hãy tin vào bản thân mình, tạo ra niềm tin của chính bản thân mình để vượt qua khó khăn. Em nên nhớ rằng hạnh phúc không bao giờ là vay mượn, không gì vững bền bằng chính đôi bàn tay của mình tạo nên.

          Khóc xong, khóc cho đã, tự lau nước mắt. Hai biết em sụp đổ và thất vọng nhiều lắm. Nhưng "sụp" chỗ nào thì lấp đầy chỗ đó mà đứng lên. Em không nhìn thấy đôi chân hai sao, "đầy sẹo" và đôi khi "chảy máu" không còn đẹp đẽ nữa nhưng chẳng bao giờ "quỳ" xuống một cách tùy tiện, chỉ là trượt té, trầy trụa và.....tự đứng lên!

          Em có nhìn thấy hai đứa nhóc của mình không? Lớn lên từng ngày. Hai thích một buổi chiều hoàng hôn vừa khép một chút, nắng còn rớt lại sân sau nhà mình. Hai anh em tụi nó ngồi cửa sau xem mấy chú gà con tung tăng. Nắng chiều ngược một chút ánh sáng vào vai hai anh em in lên tường, thằng anh quàng tay ôm vai thằng em nói nhỏ:"Em Cool, có thấy mấy con gà tung tăng với mẹ nó không, nhìn dễ thương quá!", rồi thằng anh hôn lên đôi má em mỉm cười tủm tỉm. Đấy, hạnh phúc của mình, tình yêu của mình đấy, em thấy không!!!


          Dù biển có động, trời có bão, nổi dông tố cuồn phong đến cỡ nào thì chúng ta vẫn cứ hy vọng.....sẽ thấy ánh mặt trời hừng sáng nơi chân trời, em nhé!


        

YÊU LÀ....NÂNG ĐÔI CÁNH ĐỂ CON BAY!

        

           Hôm nay mẹ đọc trên face một bức thư của một người mẹ gửi cho đứa con trai của mình du học nơi đất Mỹ, cậu bé hơn con chừng mấy tuổi thôi nhưng đã một mình tự lập học nơi xứ người. Bức thư rất cảm động, mẹ ngồi khóc. Khóc vì mẹ cũng có một điểm chung với người mẹ ấy, thương con như cắt nhưng vẫn phải vui cười để con học hành, để con vững bước mở ra những trang sách của chính cuộc đời mình. Một sự hy sinh mà không phải bà mẹ nào làm cũng được!
 
          Hôm rồi, có người bà con điện thoại bảo mẹ, con gái của cô ấy đoạt học bổng du học sang Úc, nhưng cô ấy chẳng cho đi, bảo rằng con gái không cần phải học cao, hơn nữa chỉ có mỗi đứa con nhớ lắm không chịu được, muốn gần con. Mẹ bảo, nếu là mẹ thì mẹ sẽ quyết định ngược lại. Cô ấy bảo mẹ là:"Không biết thương con, dở người!".
 
          Mỗi bà mẹ sẽ có cách thương con cũng chẳng giống nhau. Nếu mẹ có cả con trai và con gái, mẹ sẽ luôn dạy các con mở rộng kiến thức, bước ra thế giới bên ngoài để thấy rằng chúng ta rất nhỏ bé, kiến thức còn hạn hẹp và còn nhiều thứ phải trau dồi học hỏi. Mẹ tin rằng đến thời đại các con, việc đi lại giữa các quốc gia, học tập nâng cao kiến thức không còn là "chuyện xa vời". Mẹ tin chắc điều đó. Và rồi...các con cũng sẽ xa vòng tay của mẹ!
hình minh họa
         Uh, thì xa con người mẹ nào không thương, không nhớ. Nhưng sao phải khóc, phải buồn khi nhìn con mình tự lập, vững bước trên đường đời, con tự tin hòa nhập với thế giới rộng lớn. Yêu các con không có nghĩa là giữ các con trong vòng tay mà là nâng đôi cánh để các con bay thật cao và xa....
 
     

GẤU SIÊU QUẬY....HỌC VÕ!!!

        
hình minh họa
          Mẹ muốn con bắt đầu một mùa hè bằng việc tập đi xe đạp và đăng ký học võ thuật. Hai mẹ con đã nói chuyện nhiều lần nhưng con không thích, con sợ bị đau. Hôm ngồi trong bữa ăn, mẹ nói với Gấu rằng mẹ sẽ cho con đi học võ cùng với các bạn. Con nhăn nhó bảo:"Con sợ học võ, hôm con nhận phần thưởng trên sân khấu, mấy anh chị lớp lớn biểu diễn võ thuật đập bể bong bóng nổ đùng đùng....con sợ lắm!". Ông ngoại nghe vậy "nổi nóng": "Con trai gì mà da trắng ỏng, đi xe đạp không dám đi, học võ thì sợ...kỳ cục". Con buồn thiu! Mẹ bảo con là ăn cơm xong hai mẹ con mình ngồi nói chuyện chút được không, con gật đầu.
 
- Mẹ bảo:"Học võ để con thấy khỏe và tự tin, tự bảo vệ mình con biết không? Con trai là phải mạnh mẽ. Vậy con có muốn thật khỏe để bảo vệ mẹ hay không?"
- Con:"Dạ có chứ mẹ, con muốn con thật cao to để bảo vệ mẹ, có thể ẵm được mẹ."
- Mẹ:"Mẹ sẽ cho con đến lớp võ xem thử, nếu con không thích thì chúng ta sẽ tính tiếp được không?"
- Con:"Vậy mai mẹ đăng ký cho con đi mẹ, con muốn học võ để bảo vệ mẹ mà!".Vậy là bước đầu tiên, mẹ đã "làm công tác tư tưởng" thành công.
hình minh họa
 
         Hôm khai giảng mẹ bỏ công việc để đưa con đi, chở con ra lớp học, con nhìn các bạn mặc trang phục võ sinh trang nghiêm con thích thú, bảo mẹ đăng ký nhanh nhanh để được đứng vào hàng tập với mấy bạn.
 
        Nhìn con xúng xính trong đồng phục Taewondo trông chững chạc và rất "phong độ". Con nhanh chóng đứng vào hàng, làm theo hướng dẫn của thầy. Nhìn Gấu xoạc chân, nghiêm, nghỉ, ra đòn, đá....mặc dù chưa chuẩn nhưng hôm đầu tiên như vậy là con hòa đồng nhanh lắm rồi. Trước khi về gửi thầy, mẹ động viên:"Cố lên, Gấu, đá thật chắc, dứt khoát và mạnh nha!". Con cười vẫy vẫy:"Con biết rồi mẹ siêu quậy, chờ con về mới làm nước ép dưa hấu nha".
 
        Mẹ đến đón con sớm hơn giờ quy định 15 phút, đứng ngoài sân và trong bóng tối, con không biết. Con tập rất có tổ chức, biết vâng lời thầy hướng dẫn. Nhìn con biết ra đòn và đá cao chân, biết đứng ngay ngắn, hòa đồng cùng các bạn để chỉ nhau, chào kiểu con nhà võ, mẹ rất vui! Đó là điều mẹ mong muốn, học võ là học biết bao kỹ năng mềm và quan trọng mẹ muốn con rèn luyện kỹ năng sống chung với tập thể, sẽ rất quan trọng cho con mai sau khi làm việc.
 
       Kết thúc lớp, mẹ quan sát thấy con bình tĩnh kiếm đồ rồi mới đưa mắt tìm mẹ. Thấy mẹ, con chạy ào khoe:
- Mẹ ơi, hôm nay con học võ rất tốt, con thích lắm mẹ!
- Vậy con có sợ đau nữa không?
- Dạ, không có mẹ. Con học đá, xoạc chân, ra đòn...
- Ah, mẹ ơi lúc nãy con biết xin lỗi bạn vì con lỡ đá trúng mặt bạn rồi.
- Biết xin lỗi là tốt nhưng mai mốt con cẩn thận hơn nha.
- Mẹ ơi, sáng mai con muốn dạy võ cho em Kool, mẹ mua đồ đồng phục cho em đi mẹ.
 
        Mẹ vui khi thấy con bắt đầu thích môn võ thuật. Mẹ cũng chẳng hối hận khi sắp xếp từ bỏ bớt công việc để đưa con đi học, chỉ là mẹ muốn nói chuyện, chia sẻ cùng con. Sao mẹ phải quan tâm đến những điều khác, ai nói gì và làm gì, mẹ chỉ cần lặng lẽ làm những việc cần thiết vì con, đồng hành trên mỗi bước đường cùng con, Gấu nhé!!!
Hình minh họa
 
 
 
 

Sunflower

Hướng về ánh mặt trời
Được tạo bởi Blogger.

Người đóng góp cho blog

Blogroll

About

Blogger templates

Blogger news