PUMNUC

Hướng về ánh mặt trời

DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRƯỚC CƠN SÓNG GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN (AEC) CẬN KỀ.


 
              Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community, viết tắt: AEC) là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên Asean dự định sẽ hình thành vào cuối năm 2015, AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu trong "Tầm nhìn ASEAN 2020". Và theo lộ trình thì vào thời điểm cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực pháp lý thì thuế nhập khẩu và nhiều loại hàng hóa trong khu vực sẽ bằng 0, sẽ xuất hiện một thị trường chung, một dòng chảy thương mại tự do giữa các quốc gia thuộc khối ASEAN, dịch chuyển về lao động, đầu tư và dịch vụ. Và như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta đã chuẩn bị gì cho "cuộc hành trình ra biển lớn" trong thời gian sắp tới? Đứng trước sóng to, biển rộng, chúng ta chỉ có hai con đường để lựa chọn: Một là, sẽ bị "nhấn chìm" xuống đáy biển sâu nếu doanh nghiệp chúng ta cứ mãi ngủ quên trong chiến thắng, thiếu ý chí, chậm đổi mới và không có tầm nhìn; Hai là, chúng ta phải có tầm nhìn, xây dựng một chiến lược cụ thể, phải củng cố, phải đổi mới, "phải đóng thuyền to" để vững tay chèo trước sóng cả và sẵn sàng ra khơi.
 
 
       * Thách thức và cơ hội:
 
        Chúng ta sắp tham gia vào "một sân chơi lớn" và nếu như chúng ta không hiểu và không nắm vững được luật chơi thì chắc chắn chúng ta sẽ "thua to" ngay cả trên sân nhà. Thật đáng lo lắng khi tiến hành một cuộc khảo sát nho nhỏ, Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành vào cuối 2015 nhưng không ít các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta còn bị động, bỡ ngỡ với việc này. Vậy lý do này vì đâu??? Vì Nhà nước chưa thực hiện tốt việc tuyên truyền rộng rãi để các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội nắm bắt hay chính các doanh nghiệp chúng ta "thờ ơ" trước sự đổi mới của xu thế hội nhập. Nếu chúng ta không nằm ở "một tư thế chủ động" thì chúng ta sẽ bị lạc hậu, sẽ bị động trong việc chuẩn bị các công việc cần thiết để nắm bắt cơ hội thành công này.
 
        Thực tế, so với một số quốc gia có nền kinh tế mạnh trong Khối ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta vẫn quen với việc sản xuất và cung ứng thị trường nội địa, việc xuất khẩu gần đây có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm và chưa tạo thành "bước nhảy vọt". Chính vì vậy, các doanh nghiệp chúng ta chưa am hiểu sâu thị trường các quốc gia xung quanh, chưa có sự phân tích cách nhìn tổng thể về tính cạnh tranh giữa các sản phẩm của các quốc gia trong khu vực nói riêng và các quốc gia trên toàn thế giới nói chung. Hiện nay, nếu dạo một vòng các siêu thị thì sản phẩm hàng hóa ngoại đang chiếm lĩnh thị trường cung ứng hàng hóa (nhất là các sản phẩm của Thái Lan). Và chẳng bao lâu nữa, khi chúng ta hội nhập vào thị trường chung của Khối Asean thì hàng hóa của các quốc gia tràn ngập, xâm lấn thị trường và nếu nói không quá là chiếm lĩnh và chi phối thị trường Việt, nhất là phân khúc bán lẻ hàng hóa là một lĩnh vực cạnh tranh khá khốc liệt và gay cấn. Đây chính là một thách thức to lớn trước mắt của các doanh nghiệp Việt Nam. Bằng chứng rõ ràng và cụ thể nhất, đó là việc Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị Metro, trong khi thực tế đơn vị này chiếm 22% thị phần bán lẻ Việt Nam.
 
 
         Về nông nghiệp, nếu chúng ta cứ "lượn một vòng" các trang báo thì câu chuyện "tiêu, điều", nuôi bò sữa và phải đổ sữa khi thu hoạch hay câu chuyện "quả dưa hấu của nông dân Miền Trung" vẫn luôn "nóng" trên các mặt báo chí và các diễn đàn. Thực tế là khi đứng trước thách thức hội nhập mà chúng ta đang loay hoay, cứ lặp lại những thất bại mà chưa tìm ra hướng đi cụ thể, vững bền cho các doanh nghiệp sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp. Đất nước chúng ta xuất phát từ một nền nông nghiệp lúa nước nên không thể phủ nhận rằng chúng ta đang có thế mạnh về lúa gạo, bắp, mía đường và chăn nuôi heo, gà, bò. Thế nhưng, so với các quốc gia trong khu vực chúng ta thực sự cũng đang gặp khó khăn, sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt chưa đáp ứng đủ các tiêu chí xuất khẩu, chúng ta đang bị phân tán nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không cao, không có tính nổi trội trong các sản phẩm nên trong thời gian tới sự canh tranh với thị trường chung chắc chắn là sẽ gặp nhiều khó khăn.
 
 
       Tuy nhiên, ông bà ta có câu rằng:"Trong cái khó thì ló cái khôn", có nghĩa là trong khó khăn, thử thách cũng luôn tiềm ẩn những cơ hội của chính các doanh nghiệp nếu chúng ta biết phân tích và tìm ra hướng đi khắc phục cụ thể. Việc chúng ta "mở cửa đón khách gia nhập cộng đồng chung" cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta mở rộng tầm nhìn. Nếu hàng hóa nước bạn có khả năng du nhập vào nước ta thì ngược lại nếu chúng ta chuẩn bị sẵn sàng chiến lược về chất lượng, mẫu mã, giá hàng hóa và chiến lược maketing tốt thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể "thắng trên sân khách", việc quan trọng là chúng ta phải biết xác định và xây dựng lợi thế của doanh nghiệp mình, khi yếu về vốn chúng ta không tập trung dàn hàng ngang, chia phân khúc để phát triển, mà hãy chú trọng đến xác định ưu thế sản phẩm của doanh nghiệp mình là gì? tập trung phát triển chuyên sâu dẫn đến tính đặc trưng của sản phẩm thì mới có thể tiến sâu vào các thị trường và để cạnh tranh " fair play".
       
         Tại các kỳ Việt Nam Expo và chương trình xúc tiến thương mại, có thể thấy được "điểm sáng của toàn cảnh kinh tế Việt Nam" là hàng hóa Việt cũng đang dần dần nắm được thị phần của các quốc gia lân cận: các sản phẩm phân bón, pin, quần áo, giày dép....Hay gần đây là câu chuyện thương hiệu tương ớt Việt Cholimex đã dành được thị phần cung cấp cho một thương hiệu nhượng quyền pizza nổi tiếng của Mỹ, đó là Pizza Hut.
 
       * Vậy chúng ta phải làm gì để sẵn sàng "ra khơi"???
      
          Đứng trước khó khăn thử thách, chúng ta không còn cách nào khác là phải đối mặt và "xông pha thôi", nhưng không phải "xông pha" ào ào " thí mạng" mà phải xây dựng chiến lược rõ ràng, cụ thể:
 
           Thứ nhất, chúng ta đang tiến đến hoàn thiện việc xây dựng nhà nước pháp quyền, có nghĩa pháp luật là "thượng tôn", thì để tồn tại vững bền thì các doanh nghiệp phải nắm vững hành lang pháp lý tạo cơ sở vững cho mình. Chúng ta phải am hiểu và nắm bắt rõ các lộ trình cam kết của Cộng đồng kinh tế Asean để có chiến lược phát triển cụ thể và thực thi cho đúng theo quy định.
 
         Thứ hai, trên cơ sở đó, chúng ta phải khẩn trương tái cơ cấu, xây dựng chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hơn nữa, các doanh nghiệp xác định lại ưu thế của sản phẩm, xây dựng chiến lược về giá cả, mẫu mã sản phẩm và chiến lược maketing cụ thể.
        
        Thứ ba, để phát triển trên một chặng đường dài, chúng ta không thể nào bỏ qua yếu tố "văn hóa trong kinh doanh" để xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.
 
         Thứ tư, chúng ta phải thay đổi tư duy manh múng, nhỏ lẻ của nền nông nghiệp lúa nước. Phải có tầm nhìn xa trông rộng. Đứng trước xu thể hội nhập, tinh thần đoàn kết của người Việt cần được khơi dậy và vận dụng trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là khi các sản phẩm nhỏ lẻ không có thế mạnh cạnh tranh, vậy tại sao chúng ta không tiếp tục phát triển điểm mạnh kinh tế vùng và khai thác, xây dựng một chuỗi liên kết, liên doanh, liên kết tạo ra thế mạnh để cạnh tranh các sản phẩm ngoại. Nếu là "từng chiếc đũa" dĩ nhiên các doanh nghiệp ngoại sẽ bẻ gãy nhưng nếu chúng ta đứng theo thế mạnh của "một bó đũa" thì ai có thể dám bẽ gãy được chúng ta.
 
 
        Thứ năm, Nhà nước phải có cơ chế không phải là "bảo hộ" doanh nghiệp mà là "bảo vệ" doanh nghiệp trước sự ào ạt tấn công của các doanh nghiệp ngoại. Chúng ta sẵn sàng mở cửa đón khách vào nhà thì cũng phải xây dựng một phương án bảo vệ, nếu không chúng ta sẽ "thua trên sân nhà" và " mất cả chì lẫn chài". Bài học này đã được nước Thái Lan đã thực hiện tốt khi hạn chế nguồn lao động nhập cư nước ngoài vào thị trường Thái.
 
         Vậy để "thắng trong sân chơi Asean", tiến mạnh ra "biển lớn", các doanh nghiệp Việt chúng ta phải "vững tay chèo". Chúng ta phải năng động, mạnh dạn thay đổi tái cấu trúc doanh nghiệp, thay đổi năng lực bán hàng, năng lực giao tiếp và cả năng lực sản xuất. Hãy biến thách thức, khó khăn thành cơ hội để các doanh nghiệp chúng ta khai thác triệt để!!!
 
 
    
        
 
    
     
 
 
 
 
 
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Sunflower

Hướng về ánh mặt trời
Được tạo bởi Blogger.

Người đóng góp cho blog

Blogroll

About

Blogger templates

Blogger news